Nhiều dự án có xu hướng sử dụng gạch nung trở lại
(Xây dựng) – Đi ngược với quy định của Thông tư 13/2017/TT-BXD ngày 08/12/2017 của Bộ Xây dựng (Thông tư 13) quy định các công trình sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung, rất nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS) trong nước và ngoài nước tại TP Hồ Chí Minh sử dụng 100% gạch nung cho các dự án nhà ở chung cư.
Chấp nhận bị phạt vì “rẻ”
Theo quy định của Thông tư 13, các công trình từ 09 tầng phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung. Tuy nhiên, rất nhiều dự án BĐS trên cả nước hiện nay sử dụng 100% vật liệu xây tường là gạch nung, trong đó có phải kể đến địa bàn TP Hồ Chí Minh – nơi đang phát triển rất nhiều dự án BĐS chung cư (có cả các dự án có yếu tố đầu tư nước ngoài) sử dụng 100% gạch nung như: Moonlight Boulevard tọa lạc tại 510 Kinh Dương Vương, quận Bình Tân do Tập đoàn Hưng Thịnh Land là chủ đầu tư; Khu căn hộ Green Town Bình Tân tọa lạc tại Lô 5, Khu đô thị Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân do IDA Việt Nam (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư; Dự án Khu căn hộ Emrald tọa lạc tại hương lộ 3, quận Tân Phú do Gamuda Land (Malaysia) làm chủ đầu tư…
Theo một chuyên gia thực hiện công tác nghiệm thu công trình xây dựng cho biết, hiện nay nhiều chủ đầu tư, nhà thầu không mặn mà với các kết cấu bao che sử dụng gạch không nung như bê tông khí chưng áp và gạch xi măng cốt liệu vì xây bằng loại gạch này rất dễ bị nứt, vết nứt đó rất mất thẩm mỹ. Muốn xây không nứt không phải không làm được nhưng lại làm gia tăng chi phí, gây tốn kém hơn cho chủ đầu tư so với việc sử dụng gạch nung.
Bởi vậy, nhiều chủ đầu tư chấp nhận để các Sở Xây dựng địa phương phạt vi phạm hành chính. Mức chi phí bị phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư vẫn còn “rẻ” hơn việc đầu tư xây dựng bằng vật liệu không nung. Pháp luật hiện hành chỉ mới đưa ra mức phạt vi phạm hành chính chứ không bắt chủ đầu tư phải phá dỡ công trình vi phạm, nếu phá chủ đầu tư có thể kiện và thắng kiện cơ quan quản lý Nhà nước.
Mục 5, Điều 16 của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng… “Phạt tiền từ 70.000.000 – 80.000.000 đồng đối với hành vi không tuân thủ quy định về sử dụng vật liệu xây không nung”.
Vị chuyên gia này cũng cho biết, ngay cả việc sử dụng các tấm tường được coi là tốt nhất ở Việt Nam cũng đều bị nứt sau khi bị ẩm, do đó một số tập đoàn BĐS lớn của Việt Nam nếu không sử dụng gạch đỏ cũng phải nhập tấm tường từ nước ngoài.
Địa phương dung túng.
Để xảy ra hiện trạng trên cũng là điều dễ hiểu khi nhiều địa phương vẫn dung túng cho lò gạch nung thủ công tồn tại, phát triển gạch nung theo hướng sản xuất công nghiệp hàng loạt (lò gạch tuynel). Bên cạnh đó, tại các địa phương khác, việc sử dụng gạch không nung trong công trình vốn ngân sách Nhà nước được tuân thủ khá chặt. Tuy nhiên, không ít công trình đang trong quá trình hoàn thiện hoặc đã đưa vào sử dụng đều xảy ra hiện tượng nứt tường mà nguyên nhân chính do công tác thi công và chất lượng gạch kém, nhà thầu thiết kế chưa có thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật cụ thể.
Ông Nguyễn Chí Dũng – Giám đốc Cty gạch không nung ngôi sao Bình Dương cho biết, chất lượng gạch đảm bảo là một trong những yếu tố quan trọng quyết định việc có nứt tường hay không. Doanh nghiệp, nhà thầu trong quá trình sản xuất, lựa chọn sản phẩm gạch không nung không chỉ quan tâm đến kích thước gạch đạt tiêu chuẩn mà trọng lượng viên gạch cũng rất quan trọng, phải làm sao để sản xuất, lựa chọn được viên gạch nhẹ là tốt nhất. Vì trọng lượng chênh lệch gây nên chuyển vị trượt, gây căng nội tại mạch vữa xây sẽ rất dễ tạo nên các vết nứt ngang ở tầm gác giàn giáo do chuyển vị tích tụ của toàn bộ mạch vữa xây. Khi cần đẩy nhanh tiến độ xây tường, việc tập trung nhân công để hoàn thành công tác xây trát các mảng tường lớn ở thời gian ngắn sẽ càng làm các vết nứt do chuyển vị tích tụ của các mạch vữa xuất hiện, sau khi tô trát hoàn chỉnh một thời gian sau lại xuất hiện vết nứt nhỏ ngẫu nhiên phá hỏng thẩm mỹ của bức tường hoàn thiện, gây nhiều phiền phức về sau.
Cần phải khẳng định chắc chắn rằng, việc phát triển vật liệu xây không nung là một chính sách đúng đắn, đảm bảo phát triển bền vững. Vậy, nếu Chính phủ thực sự muốn phát triển gạch không nung thì phải làm cách nào? Cần phải có giải pháp đồng bộ và triệt để, mà trước tiên là phải triệt hạ 100% các lò gạch đất nung, ban hành các tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu cho kết cấu bao che, ngăn cách sử dụng gạch chế tạo bằng vật liệu không nung.
Các loại vật liệu đi kèm gạch không nung như vữa xây, vữa trát phải có tiêu chuẩn cho khối xây bằng vật liệu không nung. Bên cạnh đó, Luật Xây dựng phải bổ sung thêm điều khoản nếu chủ đầu tư cố tình không sử dụng gạch sản xuất bằng vật liệu xây không nung thì sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính phải đập bỏ hoàn toàn công trình.
Thanh Nga