(Xây dựng) – Mặc dù chủ trương của Thủ tướng Chính phủ trong các công trình xây dựng, nhất là các công trình xây dựng từ ngân sách của Nhà nước phải sử dụng gạch không nung (GKN). Thế nhưng hầu hết đơn vị tư vấn thiết kế hiện nay không lập chỉ dẫn kỹ thuật hướng dẫn việc lựa chọn vật liệu và công tác thi công, giám sát, nghiệm thu VLKN, công tác xây VLKN kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng. Điều này cho thấy công tác kiểm soát sử dụng GKN qua công tác thẩm định thiết kế còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế.
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 13/2017/TT-BXD quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng của Bộ Xây dựng quy định: Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của DN có vốn Nhà nước lớn hơn 30% và các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng VLXKN theo tỷ lệ trong tổng số vật liệu xây. Đến nay các hồ sơ thiết kế trình thẩm định đã cơ bản đáp yêu cầu của Thông tư số 13/2017/TT-BXD. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư và tư vấn thiết kế vẫn có tâm lý lo ngại do việc sử dụng GKN tồn tại một số nhược điểm cần khắc phục như: Khó khăn trong việc cung ứng ở vùng xa xôi (nhà máy sản xuất hiện có ở trên 20 tỉnh thành, chủ yếu đồng bằng; gạch và vữa (đối với gạch nhẹ) giá cao hơn gạch nung; yêu cầu tay nghề thợ xây và dụng cụ chuyên dụng cao hơn; tâm lý chưa tin tưởng về chất lượng gạch (thấm, nứt) và khả năng cung ứng cả trong nhân dân và nhà đầu tư; các chi tiết cấu tạo chưa được chuẩn hóa: khung cửa, trèn đỉnh tường xây, tường cần chống thấm…; khó khăn neo các giá treo thiết bị lên tường gạch nhẹ (gạch bở – phải dùng vít nở chuyên dụng, chưa phổ biến).
Một số hồ sơ thiết kế trình thẩm định thuyết minh tính toán chưa đầy đủ, chưa chi tiết tỷ lệ GKN trong tổng số vật liệu xây của dự án (chiếm khoảng 6% trong tổng số hồ sơ thiết kế trình thẩm định), nội dung đánh giá việc sử dụng GKN của tư vấn thẩm tra còn sơ sài, dẫn đến cơ quan thẩm định và cơ quan nghiệm thu khó khăn khi kiểm soát và đánh giá theo quy định.
Một số giải pháp sử dụng GKN hiệu quả
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhận thức về vai trò, tính ưu việt của GKN đối với nhà đầu tư, tư vấn thiết kế. Khuyến khích và tăng cường sử dụng GKN trong các công trình xây dựng, giảm dần việc sản xuất gạch đất sét nung theo lộ trình. Đồng thời nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực xây dựng về việc sử dụng GKN.
Đối với các dự án không yêu cầu sử dụng 100% GKN, tư vấn thiết kế cần có thuyết minh tính toán cụ thể, chi tiết tỉ lệ GKN trong tổng số vật liệu xây của dự án, đảm bảo cho tư vấn thẩm tra, cơ quan thẩm định, cơ quan nghiệm thu thuận lợi khi kiểm soát và đánh giá theo quy định.
Đưa vào giảng dạy về công nghệ sản xuất, sử dụng GKN trong các trường đại học, trường cao đẳng nghề… để có thể triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Cần thành lập Hiệp hội VLXKN để có tiếng nói chung, thống nhất trong nhận thức, công nghệ sản xuất, sản phẩm, thị trường.
Các nhà sản xuất GKN cần xây dựng bộ chỉ dẫn kỹ thuật chi tiết, thuận tiện khi sử dụng để chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công thực hiện, tránh các hiện tượng thấm, nứt tường xây GKN tại một số dự án như thời gian vừa qua.
Cần có cơ chế chính sách ưu tiên cho các nhà đầu tư đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất GKN rộng khắp 63 tỉnh thành, đáp ứng nhu cầu xây dựng trên cả nước.
Vấn đề độ cứng, khả năng chịu nén, chịu áp lực của GKN cần được kiểm định chất lượng một cách chính xác, công tâm nhằm đưa ra kết luận sản phẩm hợp quy, tạo tâm lý an tâm cho khách hàng và nhà thầu khi chọn mua sản phẩm, là yếu tố tiên quyết tạo dựng sự thành công của loại hàng hóa này.
Đào Văn Phương
Phó trưởng phòng Quản lý thiết kế, Cục Quản lý động xây dựng
(Bộ Xây dựng)